Thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ việc người đi ô tô đậu xe ở ven đường nhưng bị cây nhà dân rụng làm vỡ kính ô tô. Vậy trong trường hợp này, ai sẽ là người phải đền bù?
1. Trồng cây như thế nào cho đúng luật?
Khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:
Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Theo quy định này, người dân chỉ được trồng cây trong khuôn viên đất của mình và theo ranh giới đã được xác định. Đồng thời, được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới thửa đất.
Đặc biệt, nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì người có cây còn phải xén rễ, cắt hoặc tỉa phần cành lá vượt quá ranh giới trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Theo điểm b khoản 2 Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, nếu người nào trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố hoặc khu vực công cộng, nút giao thông không đúng quy định thì có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng . Và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Như vậy, người dân chỉ được trồng cây trong phạm vi phần quyền sử dụng đất của mình theo chiều thẳng đứng. Khi vượt quá thì phải cắt, tỉa, xén rẽ… Nếu người nào trồng cây xanh không đúng nơi quy định như dưới đường phố, ở dải phân cách, ở trên hè… thì có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
2. Ai phải đền khi quả rụng vỡ kính ô tô?
Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, cần xem xét các quy định của Bộ luật Dân sự về vấn đề này. Cụ thể:
- Cây cối có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề hoặc xung quanh mà gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu cây cối phải bồi thường (theo Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015).
- Cây cối gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại (Điều 604 Bộ luật Dân sự).
- Tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường trừ trường hợp thiệt hại do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác (Điều 584 Bộ luật Dân sự).
Căn cứ các quy định nêu trên, cần xem xét các yếu tố, khía cạnh sau đây để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
- Về phía người trồng cây:
+ Nếu đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cắt xén, tỉa… cành cây ra khỏi phạm vi đất nhà mình mà quả vẫn rụng xuống đường và gây ra vỡ kính xe ô tô thì đây được xem là sự kiến bất khả kháng và người này không phải bồi thường.
+ Việc quả bị rụng làm vỡ kính ô tô do người trồng cây không chăm sóc, tỉa cành… cây cối làm chĩa cành ra phía ngoài đường công cộng. Đồng thời, người đậu xe ô tô cũng đậu đúng quy định thì đây hoàn toàn do lỗi của người trồng cây. Do đó, người này phải bồi thường thiệt hại do quả rụng làm vỡ kính ô tô.
- Về phía chủ xe ô tô bị vỡ kính: Cần xác định người này đã đậu xe đúng nơi quy định chưa. Nếu người này không có lỗi mà lỗi do người trồng cây không thực hiện đúng trách nhiệm của mình thì được yêu cầu người trồng cây bồi thường thiệt hại.
Ngược lại, nếu thiệt hại do sự kiện bất khả kháng hoặc do chủ xe ô tô đậu xe trái quy định, đậu vào khu vực đất của người trồng cây thì người trồng cây không phảii bồi thường thiệt hại.
Trong đó, nếu phát sinh việc bồi thường thiệt hại thì mức bồi thường do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì xác định theo thiệt hại thực tế xảy ra và lỗi của các bên.
Theo Điều 589 Bộ luật Dân sự, thiệt hại về tài sản gồm: Giá trị kính xe ô tô bị vỡ, lợi ích gắn với việc sử dụng xe ô tô bị giảm sút do kính xe bị vỡ…
Nguồn: Luật Việt Nam - Ngày cập nhật: 22/06/2022.