Ngay cả khi đã điều trị ổn định, vết thương tai nạn lao động của người lao động vẫn có nguy cơ bị tái phát. Trường hợp vết thương tai nạn lao động tái phát, người lao động có được hưởng chế độ gì không?
1. Điều trị vết thương tai nạn lao động tái phát được hưởng quyền lợi gì?
Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH đã quy định:
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:
a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:
b) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo quy định này, trường hợp nghỉ điều trị tai nạn lao động mà có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh, người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Căn cứ Điều 26 Luật BHXH năm 2014, tùy thuộc vào số năm đóng BHXH và điều kiện công việc đang làm mà người lao động sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau tối đa 30 - 70 ngày/năm.
2. Mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ điều trị tai nạn lao động tái phát
Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 28 Luật BHXH năm 2014 và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, trong thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau để điều trị vết thương tai nạn lao động tái phát, người lao động sẽ được thanh toán tiền chế độ theo công thức sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau | = | 75% | x | Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ | : | 24 ngày | x | Số ngày nghỉ |
---|
Lưu ý: Trường hợp mới bắt đầu làm việc hoặc đã có thời gian đóng BHXH nhưng sau đó bị gián đoạn và phải nghỉ điều trị vết thương tai nạn lao động tái phát ngay trong tháng đầu trở lại làm việc thì mức hưởng được căn cứ vào mức tiền lương đóng BHXH của tháng đầu đó.
Ví dụ: Chị A đang đóng BHXH với mức lương là 05 triệu đồng/tháng, bị vết thương tai nạn lao động tái phát phải nghỉ 20 ngày làm việc. Trong thời gian nghỉ, chị A nhận được số tiền chế độ ốm đau như sau:
Mức hưởng = 75% x 05 triệu đồng : 24 ngày x 20 ngày = 3.125.000 đồng.
3. Điều trị tai nạn lao động tái phát được thanh toán BHYT thế nào?
Theo quy định khoản 2 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người lao động đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động sẽ được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí.
Trong khi đó, người lao động bị tai nạn lao động với tỷ lệ suy giảm từ 30% trở xuống mà vẫn đi làm thì sẽ đóng BHYT theo nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
Mặc dù thuộc các đối tượng đóng BHYT khác nhau nhưng theo Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014, những người bị tai nạn lao động đều được hưởng mức thanh toán BHYT như sau:
*Trường hợp đi khám, chữa bệnh đúng tuyến:
- Khám, chữa bệnh tại tuyến xã: Hưởng 100% chi phí.
- Khám, chữa bệnh trong trường hợp chi phí cho một lần khám thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đồng/lần): Hưởng 100% chi phí.
- Khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (lớn hơn 8,94 triệu đồng): Hưởng 100% chi phí.
- Khám, chữa bệnh với các trường hợp còn lại: Hưởng 80% chi phí.
*Trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến:
- Khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương: 32% chi phí điều trị nội trú.
- Khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh: 80% chi phí điều trị nội trú.
- Khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện: 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Nguồn: Luật Việt Nam - Ngày cập nhật: 03/06/2022.