Bảo lãnh cho người khác vay vốn có phải trả nợ thay?

Khi thực hiện bảo lãnh cho người khác vay vốn tại ngân hàng, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là bảo lãnh cho người khác vay vốn có phải trả nợ thay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết vấn đề này.

1. Có phải trả nợ thay khi bảo lãnh vay vốn cho người khác?

Một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ là bảo lãnh. Theo đó, có thể hiểu bảo lãnh vay vốn ngân hàng như sau:

- Bên bảo lãnh cam kết với bên ngân hàng (bên nhận bảo lãnh) sẽ trả nợ thay cho bên vay (bên được bảo lãnh) nếu đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện/thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ. Trong đó, nghĩa vụ trả nợ gồm: Lãi, nợ gốc, tiền bồi thường thiệt hại, tiền lãi trên số tiền chậm trả…

- Các bên có thể thoả thuận bên bảo lãnh chỉ phải trả nợ thay cho bên vay nếu bên vay không có khả năng trả nợ.

- Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh chỉ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của bên vay.

Theo Điều 342 Bộ luật Dân sự, bên bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay trong trường hợp:

- Bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

- Nếu các bên thoả thuận thì khi bên vay không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Ngoài ra, nếu bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì bên bảo lãnh còn có thể bị yêu cầu phải thanh toán tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, có thể thấy, hiện có hai trường hợp bên bảo lãnh phải trả nợ thay cho bên vay. Nếu các bên có thoả thuận thì khi bên vay không có khả năng trả nợ, bên bảo lãnh cũng phải trả nợ thay cho bên vay trừ trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo Điều 341 Bộ luật Dân sự.

Đặc biệt, không chỉ nghĩa vụ trả nợ mà bên bảo lãnh còn có thể phải trả cả tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thay cho bên vay.

2. Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Để yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay, ngân hàng cần phải gửi Văn bản yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh kèm với hồ sơ thoả thuận tại cam kết bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

Hình thức gửi yêu cầu có thể thông qua hình thức trực tiếp hoặc thông qua mạng bưu chính công cộng. Nếu gửi qua bưu điện thì ngày bên bảo lãnh nhận được yêu cầu được xem là ngày ký nhận thư bảo đảm.

Đặc biệt, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do ngân hàng gửi cho bên bảo đảm chỉ được coi là hợp lệ nếu bên bảo đảm nhận được yêu cầu trong thời gian làm việc của bên bảo đảm và trong thời hạn còn hiệu lực của cam kết bảo lãnh.

Việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được quy định cụ thể tại Điều 21 Thông tư 07/2015/TT-NHNN. Theo đó, thời hạn để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được quy định như sau:

- Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày bên bảo lãnh nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng: Bên bảo lãnh thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; hạch toán ghi nợ vào tài khoản cho vay bắt buộc số tiền đã trả tha và thông báo số tiền đã trả thay, tiền lãi.

- Chậm nhất 05 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: Nếu từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối thực hiện nghĩa vụ.

Nguồn: Luật Việt Nam - Ngày cập nhật: 22/06/2022.