Bố mẹ đừng quên rằng điều quan trọng nhất đối với mỗi người chính là tính cách, thứ hai là được yêu mến, thứ ba mới là uy tín và thành công. Hiếm ai có được tất cả những điều này. Đương nhiên các bậc làm cha làm mẹ như chúng ta lúc nào cũng mong cho con cái mình hoàn hảo, nhưng nếu phải lựa chọn, hãy nhớ rằng tính cách phải được đặt lên hàng đầu.
Tính cách tốt được đánh giá dựa trên những thói quen tốt của trẻ. Nếu mỗi đứa trẻ đều có được 7 thói quen này thì thế giới sẽ trở thành Thiên đường, cuộc đời mỗi đứa trẻ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, và cuộc sống của chúng cũng hạnh phúc hơn.
Vậy những thói quen đó là gì? Cùng Win QS tìm hiểu xem nhé
Chủ động – Tự chịu trách nhiệm
Bọn trẻ vẫn thường hay than vãn: “Bố ơi con chán. Con chẳng có gì để làm cả”, cứ như việc chúng buồn chán là do lỗi của bố mẹ. Nếu đáp lại kiểu như: “Vậy thì sao?” thì chắc chúng cũng để yên cho được một lúc. Nhưng quan trọng hơn chính là: Phải dạy cho trẻ biết chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, về niềm vui hay sự buồn chán, về bất hạnh hay hạnh phúc của bản thân chúng. Đây chính là thói quen chủ động. Hay nói cách khác, hãy tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và đừng đóng vai nạn nhân nữa.
Cha mẹ hãy giúp con hình thành thói quen này qua từng bước nhỏ:
– Lần sau khi con thấy chán, hãy làm gì đó có ích cho người khác.
– Hôm nay hãy làm một việc gì đó mà trước giờ con vẫn sợ: Kết bạn mới, giơ tay phát biểu bài trong lớp…
– Lần sau khi con nóng giận và muốn nói gì đó không tốt, hãy cắn chặt lưỡi lại và đừng nói gì hết.
– Nếu con làm gì sai, hãy nói xin lỗi trước khi người khác bắt con làm thế.
Biết nhận sai, xin lỗi chính là biểu hiện đầu tiên của việc tự chịu trách nhiệm
Bắt đầu khi đã xác định trước điều mình muốn – Lên kế hoạch
Bạn có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết ra những mục tiêu bởi chúng ta vẫn biết: “Mục tiêu mà không viết ra thì chỉ là ước muốn”. Cho dù những kế hoạch ấy liên quan đến tiền bạc, học hành hay cuộc sống thì chúng cũng sẽ luôn có ích, thậm chí có thể tạo điều kiện để trẻ giúp đỡ người khác. Hãy giúp con hình thành thói quen này qua từng bước nhỏ như sau:
– Để con tự soạn sẵn quần áo cho ngày mai trước khi con đi ngủ.
– Lấy giấy và bút viết ra 3 mục tiêu mà con muốn thực hiện. Để mảnh giấy ở nơi con có thể nhìn thấy.
– Kể cho bố mẹ nghe con muốn làm gì khi lớn lên.
– Ai trong chúng ta cũng có việc cần phải làm cho tốt hơn, chẳng hạn như: làm bài tập về nhà, chải răng mỗi tối, hay nghe lời bố mẹ. Hãy chọn ra một việc con cần làm tốt hơn và bắt đầu thực hiện điều đó.
Ưu tiên việc cần thiết – Làm trước, chơi sau
Trên thực tế, để ưu tiên làm việc cần thiết trước là rất khó. Trong tất cả các thói quen, thói quen này là khó tập nhất. Vì sao ư? Vì chúng ta thường có xu hướng làm những việc dễ hay những việc mình thích trước. Nhưng nếu ta không dạy cho trẻ biết ưu tiên những việc khó và cần thiết trước thì chúng sẽ không thể sắp xếp công việc một cách hợp lý.
Hãy cho trẻ thấy mọi việc sẽ tệ thế nào nếu trẻ cứ trì hoãn công việc mãi. Hãy giúp trẻ cảm nhận được sự thoải mái của việc chuẩn bị kỹ lưỡng một việc nào đó, từ đó trẻ sẽ có thời gian để làm nhiều việc khác. Cha mẹ hãy qua từng bước nhỏ để hình thành thói quen này cho con:
– Hãy cho bố mẹ biết những công việc hay trách nhiệm quan trọng nhất của con là gì? Tập đàn piano? Dọn giường? Làm bài tập về nhà? Đi đổ rác?
– Ngày mai hãy làm bố mẹ bất ngờ bằng cách hoàn thành nhiệm vụ trước cả khi bố mẹ bắt con làm chúng.
– Lần sau khi con có bài tập về nhà, hãy làm phần khó nhất trước.
– Hãy nghĩ đến một việc nào đó con đã trì hoãn lâu như: dọn phòng, bơm bánh xe, sửa ngăn tủ bị hư. Con thử làm ngay đi.
Hợp lực – Hợp sức sẽ có kết quả tốt hơn
Giáo dục bé thói quen hợp tác với người khác sẽ vô cùng bổ ích cho cuộc sống sau này khi bé phải làm việc nhóm, hợp tác với nhiều người khác nhau. Hợp lực trên thực tế là một kĩ năng mềm mọi người đều phải học, không trước thì sau. Hợp lực chính là: trân trọng những điểm khác biệt và làm cùng nhau để đạt được một giải pháp tốt nhất. Đó là khi 1 + 1 = 3 hoặc có khi là hơn thế nữa.
Cha mẹ giúp con hình thành thói quen này qua từng bước nhỏ:
– Viết ra 3 việc con cảm thấy mình giỏi. Rồi viết ra 3 việc mà con nghĩ là những người xung quanh con giỏi.
– Xem đội thể thao con thích thi đấu. Đặc biệt chú ý xem các cầu thủ đã chơi thành đội như thế nào.
– Hãy xem thế nào là một thành viên tốt hay một thành viên chưa tốt trong đội.
Nghĩ cho đôi bên cùng có lợi – Mọi người cùng thắng
Cách nghĩ đôi bên cùng có lợi, hay lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích của người khác như của chính mình thực sự là một thói quen tinh thần tuyệt vời mà bạn có thể dạy cho bọn trẻ.
Tập hình thành thói quen nghĩ cho đôi bên cùng có lợi – mọi người cùng thắng qua từng bước nhỏ sau:
– Con hãy thử hỏi một người lớn nào đó xem quy luật vàng là gì. Khi biết rồi thì con hãy thử áp dụng quy luật đó.
– Hãy thử sống nguyên một ngày mà không nhăn nhó, trề môi hay than vãn xem.
– Lần sau khi con muốn cãi nhau giành đồ chơi với bạn, hãy nghĩ xem: “Làm sao để bạn cũng vui?”.
– Hãy làm một tấm “áp phích điều ước”. Bắt đầu bằng việc kẻ một đường dọc giữa tờ giấy. Cắt hình những thứ con thích và dán lên một bên. Bên còn lại, con hãy dán những điều bố mẹ muốn ở con. Sau đó hãy nghĩ xem làm thế nào để những điều của con lẫn bố mẹ mong muốn đều thành sự thật.
Cố gắng hiểu, rồi sẽ hiểu – Lắng nghe trước khi nói
Để được lắng nghe, chú ý, trẻ con thường gào thét hoặc mè nheo. Với người lớn, mặc dù không làm vậy, nhưng vẫn có nhiều cách khác nhau thể hiện khi cảm thấy mình không được người khác lắng nghe. Hãy nhớ rằng nhu cầu lớn nhất từ sâu thẳm trái tim mỗi người là được thấu hiểu.
Ở trường chúng ta được dạy cách đọc, viết và nói nhưng không ai dạy ta cách lắng nghe – một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng nhất. Chỉ nghe bằng tai thì chưa đủ vì trong lời nói chỉ chứa đựng 10% thông tin giao tiếp. Những phần còn lại nằm ở ngôn ngữ cơ thể, âm sắc và cảm xúc truyền đạt qua giọng nói. Tốt nhất hãy dạy cho con trẻ biết lắng nghe từ ngay khi chúng còn nhỏ. Từng bước nhỏ để hình thành thói quen:
– Hãy cố thử không nói tiếng nào trong suốt một giờ đồng hồ. Hãy quan sát mọi người xung quanh và lắng nghe xem họ đang nói gì.
– Hãy nghĩ đến một người nào đó con quen mà con cho rằng họ giỏi lắng nghe. Ông? Bà? Bố? Mẹ? Vì sao họ lại là những người giỏi lắng nghe?
– Lần sau khi một người bạn của con đang buồn, hãy nhìn vào mắt hoặc những cử chỉ của bạn ấy. Hãy nói cho họ biết con thấy họ đang buồn và con muốn giúp họ.
Khi trẻ thấu hiểu những nguyên tắc vô tận và phổ biến như tính trách nhiệm, sự tận tụy, trung thực cả ở nhà và ở trường thì những giá trị và tiềm năng của trẻ sẽ được khẳng định và củng cố. Từ đó chúng sẽ xây dựng được sự tự tin, lòng chính trực và dũng khí để làm những điều đúng đắn.